Cách trả lời phỏng vấn giới thiệu bản thân cực chuẩn

Sự thật là dù biết mọi NTD sẽ luôn hỏi “Hãy giới thiệu một chút về bản thân bạn?” nhưng không phải ứng viên nào cũng trả lời ấn tượng và đạt yêu cầu. Vậy cách trả lời phỏng vấn giới thiệu bản thân thế nào là chuẩn?

Bạn có biết cách trả lời phỏng vấn giới thiệu bản thân thế nào là chuẩn?

Sẽ không có một câu trả lời chung chung hay mẫu rập khuôn nào áp dụng cho mọi trường hợp của tất cả các ứng viên. Tuy nhiên, NTD không mong muốn nhận được câu trả lời sáo rỗng, thừa thải và không hề liên quan gì đến vị trí công việc mà ứng viên đang ứng tuyển. Vì thế, tùy thuộc vào từng giai đoạn tìm việc – công việc ứng tuyển – khả năng và trình độ cụ thể… mà ứng viên sẽ đưa ra các câu trả lời khác nhau tương ứng phù hợp – gây ấn tượng và ghi điểm với NTD.

Bài viết hôm nay, Grabviec.vn sẽ đưa ra một số gợi ý cụ thể theo từng giai đoạn tìm việc để ứng viên tham khảo và áp dụng trả lời cho câu hỏi “Hãy giới thiệu một chút về bản thân bạn?

 

Cách trả lời phỏng vấn giới thiệu bản thân

#Khi bạn đang là sinh viên

Không ít sinh viên hiện nay có ý định vừa học vừa làm để kiếm thêm thu nhập và làm quen với môi trường làm việc thực tế. Dù NTD không yêu cầu quá cao ở đối tượng ứng viên này về trình độ hay kinh nghiệm làm việc nhưng vẫn có những yêu cầu nhất định khi phỏng vấn và tuyển dụng. Do đó, khi trả lời phỏng vấn giới thiệu bản thân, hãy cho NTD thấy rằng, bạn vẫn chú tâm vào việc học ở trường nhưng cũng sắp xếp được thời gian để đi làm thêm và có không ít kinh nghiệm thực tế.

Chẳng hạn: “… [thông tin cá nhân của bạn]. Là một sinh viên, tôi dành phần lớn thời gian để học tập và nghiên cứu nhưng vẫn có thời gian làm thêm để kiếm thêm thu nhập và làm quen với môi trường làm việc thực tế. Chẳng hạn: bán hàng vào mùa hè, làm nhân viên phục vụ nhà hàng vào buổi tối hay dịp lễ tết… Vì vậy, tôi có khá nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này…”

Nếu là sinh viên tìm việc part-time, hãy cho NTD thấy bạn làm việc nhưng vẫn đảm bảo việc học ở trường

#Khi bạn mới tốt nghiệp

NTD luôn hiểu rằng họ không thể mong muốn quá nhiều ở những ứng viên mới tốt nghiệp về sự dày dạn kinh nghiệm hay kỹ năng làm việc chuyên nghiệp – họ sẵn sàng đào tạo thêm cho các bạn tân cử nhân sau tuyển dụng nếu nhận thấy sự phù hợp và tiềm năng của ứng viên đó. Với câu hỏi “Hãy giới thiệu một chút về bản thân bạn?”, là sinh viên mới tốt nghiệp, hãy cho NTD thấy sự ham học hỏi và sức trẻ cùng mong muốn cống hiến cho công ty của bạn – giới thiệu mình tốt nghiệp với điểm số bao nhiêu – những thành tích đạt được hay công việc làm thêm cho bạn kinh nghiệm và kỹ năng nào khi còn là sinh viên… Ngoài ra, với những kiến thức có hạn ở hiện tại, bạn hy vọng sẽ có nền tảng tốt để bắt đầu công việc và mong muốn được làm việc, học hỏi, trau dồi thêm từ các quản lý, đồng nghiệp trong công ty như thế nào…

#Khi bạn đã đi làm và muốn chuyển việc

Nếu chuyển việc có liên quan (tức đã có kinh nghiệm làm việc trước đó), hãy giới thiệu đối nét về bản thân như tên, tuổi, tốt nghiệp ngành gì, loại gì, kinh nghiệm làm việc ra sao, thành tích đạt được thế nào… để gây ấn tượng với NTD rằng bạn hoàn toàn phù hợp với vị trí mà họ đang tuyển dụng.

Nếu nhảy việc sang môi trường hoàn toàn mới (tức chưa có kinh nghiệm), vẫn cứ giới thiệu sơ qua về bản thân và lựa chọn đưa ra những kinh nghiệm, kỹ năng làm việc ở ngành nghề cũ nhưng phù hợp với vị trí đang ứng tuyển. Hãy tâm sự chân thành nhưng hợp lý với NTD mong muốn chuyển việc của bạn; đừng quên nói thêm “với những kinh nghiệm, kỹ năng làm việc của bản thân, tôi muốn thử sức mình ở một vị trí mới; và hôm nay tôi đến đây để trao đổi với quý công ty xem liệu chúng ta có thể hợp tác cùng nhau không. Tôi nghĩ rằng, dù ở vị trí nào thì chỉ cần có kỹ năng làm việc tốt, công việc nào tôi cũng có thể đáp ứng được.

Gợi ý cách trả lời phỏng vấn giới thiệu bản thân

Dù được khuyên không nên trả lời một cách máy móc nhưng để đảm bảo câu trả lời phỏng vấn giới thiệu bản thân đầy đủ và thuyết phục nhất, ứng viên nên sắp xếp theo trình tự các bước sau:

+ Cảm ơn NTD đã tạo cơ hội để bạn được phỏng vấn

+ Giới thiệu đầy đủ họ tên, bí danh (nếu có)

+ Nêu năm sinh

+ Đã tốt nghiệp trường nào, chuyên ngành gì

+ Các kinh nghiệm làm việc trong quá khứ hoặc các hoạt động đoàn thể lớn đã tham gia (nếu có)

+ Sở trường, điểm mạnh, điểm yếu

+ Mong muốn gì

+ Nhắc lại lời cảm ơn NTD một lần nữa để kết thúc phần giới thiệu.

Chuẩn bị thật kỹ trước buổi phỏng vấn - trả lời trôi chảy, tự tin và đúng thực tế để ghi điểm với NTD


NTD sẽ không mấy quan tâm đến thời thơ ấu hay thuở thiếu thời của bạn vui buồn thế nào, tình yêu hiện tại ra sao; điều họ quan tâm là kỹ năng bạn có, trình độ chuyên môn và kinh nghiệm làm việc của bạn, lợi ích bạn có thể mang lại cho công ty… Vì thế, hãy chuẩn bị thật tốt cho buổi phỏng vấn, trong đó gây ấn tượng ngay từ đầu với cách trả lời phỏng vấn giới thiệu bản thân – tránh trường hợp trả lời ấp úng, ngắt quãng, lúng cúng, thể hiện sự thiếu tự tin ngay với chính bản thân mình.