Quy định – thỏa thuận sử dụng GrabViec.vn
08-04-2019
Nghĩa vụ quân sự là gì? Việc đi nghĩa vụ quân sự có phải là quy định bắt buộc? Thời gian đi là bao lâu? Nữ giới muốn đi nghĩa vụ quân sự có được không?... là thắc mắc của khá nhiều bạn trẻ. Bài viết sau đây, GrabViec.vn sẽ giúp bạn giải đáp lần lượt những câu hỏi trên.
Bạn có thể giải thích nghĩa vụ quân sự là gì?
Nghĩa vụ quân sự (quân dịch) là nghĩa vụ về quốc phòng mà công dân cần thực hiện trong quân đội dưới hình thức phục vụ tại ngũ hoặc phục vụ trong ngạch dự bị nếu đáp ứng các điều kiện tuyển chọn quân. Việc quản lý hoạt động tham gia nghĩa vụ quân sự tại Việt Nam đang được thực hiện theo Luật nghĩa vụ quân sự 2015 do Quốc hội ban hành.
Theo quy định hiện hành, độ tuổi bắt buộc tham gia nghĩa vụ quân sự là từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi. Với trường hợp công dân đã được tạm hoãn vì học Đại học, Cao đẳng thì độ tuổi gọi nhập ngũ đến hết năm 27 tuổi. Độ tuổi để tính gọi nhập ngũ căn cứ theo ngày tháng năm sinh trên giấy khai sinh của công dân cho đến ngày giao quân.
Ngoài yêu cầu về tuổi tác nêu trên, công dân đủ tiêu chuẩn để gọi nhập ngũ – cần đáp ứng các điều kiện sau:
+ Có lý lịch rõ ràng
+ Chấp hành nghiêm chính sách – pháp luật của Nhà nước, đường lối – chủ trương của Đảng
+ Có đủ sức khỏe để phục vụ tại ngũ: đạt loại 1, 2, 3 – với công dân có sức khỏe loại 3 nhưng bị cận thị 1,5 độ trở lên, viễn thị, nghiện ma túy, nhiễm HIV/AIDS sẽ không được gọi nhập ngũ.
+ Có trình độ văn hóa phù hợp: từ lớp 8 trở lên – với những địa phương khó đảm bảo chỉ tiêu giao quân thì có thể tuyển chọn công dân có trình độ văn hóa từ lớp 7.
Công dân đủ điều kiện nhập ngũ cần có sức khỏe đạt loại 1,2,3
Theo luật hiện hành, thời hạn phục vụ tại ngũ trong thời bình của binh sĩ – hạ sĩ quan là 24 tháng. Trong trường hợp cần thực hiện nhiệm vụ phòng chống thiên tai, dịch bệnh, cứu hộ - cứu nạn, đảm bảo nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu thì có thể kéo dài đến 30 tháng. Thời gian đi nghĩa vụ quân sự được tính từ ngày giao nhận quân đến ngày được cấp quyết định xuất ngũ. Thời gian chấp hành hình phạt tù tại trại giam hay đào ngũ sẽ không được tính vào thời gian phục vụ tại ngũ.
Lịch khám sức khỏe để đi nghĩa vụ quân sự hàng năm thường từ ngày 01/11 đến ngày 31/12. Công dân xếp vào diện gọi đi khám sức khỏe sẽ nhận được lệnh trước 15 ngày.
Nếu đáp ứng điều kiện sức khỏe, công dân sẽ được gọi nhập ngũ lần 1 vào thời điểm tháng hai hoặc tháng ba – trường hợp vì lý do quốc phòng, công dân sẽ được gọi nhập ngũ lần thứ 2. Theo đó, sau dịp Tết Nguyên đán, lễ giao nhận quân sẽ diễn ra trên cả nước.
Nếu như việc tham gia nghĩa vụ quân sự là quy định bắt buộc với các công dân nam đủ điều kiện thì công dân nữ cũng có thể tự nguyện viết đơn xin nhập ngũ. Như vậy, pháp luật vẫn tạo điều kiện để nữ giới tham gia nghĩa vụ quân sự - miễn là tự nguyện, đáp ứng các điều kiện về độ tuổi, sức khỏe, trình độ văn hóa… và quân đội có nhu cầu. Công dân nữ có thể đăng ký tham gia nghĩa vụ quân sự tại Ban chỉ huy quân sự cấp xã – nơi cư trú.
Công dân nữ có thể tự nguyện viết đơn tham gia nghĩa vụ quân sự
Nếu thuộc một trong các trường hợp sau – công dân được hoãn tham gia nghĩa vụ quân sự:
+ Chưa đáp ứng các điều kiện sức khỏe để phục vụ tại ngũ (thiếu cân nặng, chiều cao…)
+ Là lao động duy nhất trong gia đình, trực tiếp nuôi dưỡng người thân chưa đến tuổi lao động hoặc không còn khả năng lao động, gia đình bị thiệt hại nặng do thiên tai, dịch bệnh, tai nạn – được UBND cấp xã xác nhận.
+ 1 con của người nhiễm chất độc da cam, bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 61% đến 80%.
+ Công dân có anh – chị - em ruột là binh sĩ, hạ sĩ quan đang phục vụ tại ngũ; hạ sĩ quan, chiến sĩ thực hiện nghĩa vụ Công an nhân dân.
+ Gia đình thuộc diện di dân, giãn dân trong 3 năm đầu đến các xã được xếp vào diện đặc biệt khó khăn.
+ Là thanh niên xung phong, cán bộ, công chức, viên chức được điều động đi làm việc, công tác tại những vùng đặc biệt khó khăn.
+ Đang theo học Đại học - Cao đẳng hệ chính quy, cơ sở giáo dục phổ thông.
Nếu thuộc một trong các trường hợp sau – công dân được miễn tham gia nghĩa vụ quân sự:
+ Là con của thương binh hạng 1, con của liệt sĩ.
+ 1 em hoặc 1 anh trai của liệt sĩ
+ 1 con của bệnh binh – người nhiễm chất độc da cam suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên, 1 con của thương binh hạng hai
+ Người làm công tác cơ yếu không phải là công an nhân dân, quân nhân
+ Thanh niên xung phong, cán bộ, công chức, viên chức được điều động đi làm việc ở những vùng đặc biệt khó khăn với thời hạn từ 24 tháng trở lên.
+ Phục vụ tại ngũ từ tháng 13 trở đi, được nghỉ phép 10 ngày
Đến thời gian phục vụ tại ngũ từ tháng 13 trở đi, binh sĩ – hạ sĩ quan được nghỉ phép 10 ngày, không tính ngày đi và về, được thanh toán tiền tàu – xe và phụ cấp đi đường. Trường hợp gia đình gặp thiên tai, hỏa hoạn có hậu quả nghiêm trọng, vợ/ chồng, con, bố mẹ đẻ, bố mẹ vợ/ chồng… qua đời thì được nghỉ phép đặc biệt, tối đa 5 ngày.
+ Hưởng phụ cấp theo quân hàm hiện hưởng hàng tháng
Mức hưởng phụ cấp quân hàm được tính theo mức lương cơ sở, với mức lương cơ sở áp dụng từ ngày 1/7/2019 là 1,49 triệu đồng/tháng thì:
Binh nhì – hệ số 0,4 => Hưởng mức phụ cấp 596.000 đồng/ tháng
Binh nhất – hệ số 0,45 => Hưởng mức phụ cấp 670.500 đồng/ tháng
Hạ sĩ – hệ số 0,5 => Hưởng mức phụ cấp745.000 đồng/ tháng
Trung sĩ – hệ số 0,6 => Hưởng mức phụ cấp 894.000 đồng/ tháng
Thượng sĩ – hệ số 0,7 => Hưởng mức phụ cấp 1.043.000 đồng/ tháng
Hạ sĩ nhận được mức phụ cấp quân hàm 745.000 đồng/ tháng
+ Hưởng phụ cấp tăng thêm nếu kéo dài thời gian tại ngũ
Binh sĩ – hạ sĩ quan kéo dài thời gian phục vụ tại ngũ từ tháng 25 trở đi được hưởng thêm 250% mức phụ cấp quân hàm hiện hưởng. Mức phụ cấp này không áp dụng với binh sĩ – hạ sĩ quan đang trong thời kỳ chờ chuyển sang quân nhân chuyên nghiệp.
+ Binh sĩ – hạ sĩ quan nữ được hưởng thêm phụ cấp khuyến khích
Binh sĩ – hạ sĩ quan nữ ngoài mức phụ cấp quân hàm hiện hưởng, hàng tháng còn nhận được phụ cấp khuyến khích ở hệ số 0,2 so với mức lương cơ sở. Với mức lương cơ sở là 1,49 triệu đồng thì mức phụ cấp khuyến khích là 298.000 đồng/ tháng.
+ Hưởng trợ cấp 1 lần khi xuất ngũ
Nếu phục vụ đủ 24 tháng trong quân đội, bộ đội khi xuất ngũ sẽ được hưởng trợ cấp 1 lần – cứ mỗi năm phục vụ trong quân đội được hưởng 2 tháng tiền lương cơ sở. Trường hợp phục vụ đủ 30 tháng trong quân đội, khi xuất ngũ được hưởng thêm 2 tháng phụ cấp quân hàm hiện hưởng, nếu xuất ngũ trước 30 tháng thì được trợ cấp 1 tháng phụ cấp quân hàm hiện hưởng.
+ Hưởng trợ cấp tạo việc làm
Bộ đội khi xuất ngũ ngoài nhận trợ cấp 1 lần, còn được hưởng trợ cấp tạo việc làm, bằng 6 tháng tiền lương cơ sở tại thời điểm xuất ngũ.
Trợ cấp tạo việc làm: 1,49 x 6 = 8.940.000 đồng
+ Được hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm
Bộ đội xuất ngũ – hoàn thành nghĩa vụ quân sự nếu có nhu cầu đào tạo nghề sẽ được hỗ trợ đào tạo nghề; vào học tiếp tại các trường trước khi nhập ngũ đang học hoặc đã có giấy gọi; được tiếp nhận vào làm việc, bố trí việc làm ở nơi đã làm trước khi nhập ngũ…
+ Xử phạt hành chính
Với hành vi gian dối làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe nhắm trốn tránh nghĩa vụ quân sự thì sẽ bị phạt tiền từ 2 – 4 triệu đồng; nếu không có mặt đúng thời gian – địa điểm hẹn khám sức khỏe mà không có lý do chính đáng, sẽ bị phạt tiền từ 800.000 – 1.200.000 đồng.
+ Bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Với công dân đã bị xử phạt hành chính vì hành vi trốn nghĩa vụ quân sự hoặc đã bị kết án về tội này – chưa được xóa án tích mà lại tái phạm, sẽ bị phạt tù treo đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Nếu có thêm có tình tiết tăng nặng như lôi kéo người khác phạm tội, tự gây thương tích – tổn hại cho sức khỏe của mình… thì mức phạt tù tối đa là 5 năm.
Trên đây là những giải đáp của GrabViec.vn về nghĩa vụ quân sự là gì và những điều cần biết liên quan đến luật quân sự mới. Hy vọng những thông tin này sẽ hữu ích với bạn.
Ms. Việc dễ làm